Cảm nắng, cảm nóng ở trâu bò và biện pháp phòng trị

0

Mùa hè mang đến những đợt nắng nóng cực điểm, nhiệt độ môi trường tăng cao dẫn đến sự thải nhiệt của cơ thể kém đi rất nhiều, đặc biệt là ở các loài động vật như trâu, bò, dẫn đến bệnh cảm nắng, cảm nóng… khiến cho người nông dân vô cùng lo lắng.

Nguyên nhân

Việc giảm thải nhiệt khiến cho thân nhiệt động vật tăng cao, chủ yếu vào các ngày nắng nóng cực độ. Gia súc được chăn thả trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời trong một khoảng thời gian dài, hay gia súc nuôi nhốt phải vận chuyển đường dài ở nhiệt độ ngoài trời cao. Ngoài ra việc làm chuồng trại sơ sài không được che chắn cẩn thận cũng là một nguyên nhân gây bệnh cảm nóng ở gia súc.

Triệu chứng

Trâu, bò bị cảm nắng, cảm nóng triệu chứng có thể nhận thấy đầu tiên đó là con vật mất thăng bằng, đi lảo đảo. Thân nhiệt tăng cao (40 – 41 độ C). Bên cạnh đó bạn có thể kiểm tra tần số hô hấp và tim mạch sẽ thấy tăng cao, đồng tử mắt lúc đầu dãn rộng sau đó thu hẹp. Giai đoạn cuối, con vật khó thở, niêm mạc tím bầm, co giật, mất phản xạ và dẫn đến cái chết nếu không được phát hiện kịp thời. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiểu con hay chỉ một vài con trong đàn.

Điều trị

Khi phát hiện triệu chứng bệnh cần cho ngay gia súc vào khu vực râm mát để nghỉ ngơi, tách riêng từng con ra để lấy không gian cho chúng thở. Trường hợp con vật đang làm việc như cày, kéo thì cho con vật nghỉ ngơi ngay lập tức, chọn nơi mát, yên tĩnh. Có thể dùng khăn mát lau cho con vật để hạ nhiệt từ từ. Tuyệt đối không dùng nước lạnh dội ngay vào phần đầu con vật sẽ gây sốc và con vât sẽ dễ tử vong hơn.

Cách phòng bệnh

Kiểm tra và cải tạo lại chuồng trại trước khi vào mùa hạ, nâng cấp các hệ thống cấp nước cho gia súc.

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao chú ý không cho trâu bò ăn quá no, đồng thời kết hợp tắm mát cho trâu bò bằng vòi xịt và quan trọng là cung cáp nước uống đầy đủ.

Không nên nuôi quá nhiều gia súc trong 1 chuồng chặt hẹp.

Không chăn thả hoặc cho gia súc làm việc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài.

Khi vận chuyển gia súc đường dài nên thực hiện vào ban đêm hoặc sang sớm hay chiều mát. Để gia súc được nghỉ ngơi hợp lý.

Chú ý thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi từ chăm sóc nuôi dưỡng, khai thác sữa, chế độ làm việc, vệ sinh thú y trong những ngày nắng nóng, kịp thời xử lý ngay khi phát hiện con vật có biểu hiện bệnh.

Khi thực hiên tốt những lưu ý trên nhất định gia súc nhà bạn sẽ vượt qua thời kì nắng nóng mà không xảy ra bất kì chuyện gì.


Đánh giá bài viết
Chia sẻ:

Leave A Reply